Xu hướng tăng trưởng và những thách thức trong ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được nhận định đạt bình quân 8%/năm. Tuy nhiên, các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về áp dụng khoa học kỹ thuật; thiếu lao động trẻ có trình độ; một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ mai một, bị thất truyền; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ khi xuất khẩu.
Việt Nam hiện có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với nhiều lĩnh vực khác nhau như: mây tre đan, thêu dệt, gốm sứ, đúc đồng, khảm, trạm bạc, gỗ mỹ nghệ. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, mỗi năm doanh thu của các làng nghề hiện nay đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động.
Những khó khăn và điểm mạnh của các làng nghề
Điểm mạnh của làng nghề là truyền thống lâu đời, hệ thống sản xuất sẵn có, lao động có tay nghề, hoạt động lấy công làm lãi, sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của hộ gia đình. Tuy nhiên, các làng nghề gỗ đang đối diện với rủi ro do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Các sản phẩm kiểu dáng cổ điển sử dụng gỗ quý sẽ ít được ưa chuộng. Trong khi đó, chính sách pháp luật ngày càng siết chặt, các sản phẩm làm từ gỗ quý sẽ khó khăn trong lưu thông và bị kiểm soát về mặt nguồn gốc xuất xứ của gỗ tự nhiên hoặc nguyên vật liệu quý hiếm. Thuế cao và tỷ lệ xuất khẩu giảm đáng kể, gây tâm lý khách hàng nhận diện sản phẩm không thiết thực.
“Rất nhiều nghệ nhân từng chia sẻ: Từ trước tới nay, chúng tôi đều nghĩ cứ gỗ nào chế tác được sản phẩm đẹp, tinh xảo thì mình sử dụng. Mấy năm gần đây, bỗng dưng đồ gỗ của làng nghề khó tiêu thụ, mà chúng tôi không hiểu vì sao. Khi đến tham dự chương trình XTTM của Trung tâm VITIT, thì tôi mới biết nguyên nhân, giờ người tiêu dùng không sử dụng đồ gỗ làm từ gỗ rừng nguyên sinh nữa, mà cần phải chuyển đổi sang các loại nguyên liệu gỗ rừng trồng.”
Định hướng và giải pháp phát triển
Cần chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề truyền thống, vận dụng vào khoa học máy móc thiết bị phụ trợ và bao tiêu đầu ra tích hợp đa chiều về văn hóa Việt và quốc tế. Sự cần thiết nhất đặt lên hàng đầu là một số mặt hàng cần liên kết với doanh nghiệp lớn, giảm tối đa nguyên vật liệu và quy trình sản xuất, giảm tối thiểu rủi ro trong bao tiêu đầu ra.
Nhận định xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thay đổi, đòi hỏi quy trình sản xuất phải minh bạch, rõ ràng từ vùng nguyên liệu đến cả quá trình làm ra sản phẩm. Nếu chúng ta đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cho ngành không chỉ dừng lại con số hơn 3 tỷ USD như hiện nay mà có thể sớm đạt được tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm và đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2030.
“Có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề thông qua thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa.”
Kết nối giá trị truyền thống và xu thế quốc tế
“Tích hợp đa giá trị” là một trong những cụm từ khóa của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, câu chuyện làng nghề ngày càng quan trọng vì tại đây không chỉ có sản phẩm thô được bán ra mà còn có những sản phẩm trải qua sơ chế, chế biến, những sản phẩm trải qua bàn tay tài hoa của thợ thủ công, kết tinh giá trị về văn hóa, truyền thống, môi trường của các làng nghề.
“Thế giới ngày càng đề cao các giá trị truyền thống, tính chân thực và nghề thủ công. Khách hàng của thế giới ngày càng ưa chuộng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.”
Chúng tôi tin rằng các làng nghề thủ công tại Việt Nam chứa đựng một kho báu vô giá của truyền thống và nghệ thuật thủ công.
Trung tâm VITIT