Giám đốc Trung tâm VITIT Phạm Hồ Bắc: “Chúng tôi là cánh tay nối dài cho các thương hiệu Việt ra quốc tế”

Nguyễn Đức

ông Phạm Hồ Bắc – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam Quốc tế (VITIT)

Đó là khẳng định của ông Phạm Hồ Bắc – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam Quốc tế (VITIT) trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Thương gia thị trường về chiến lược nhằm nâng cao năng lực ngoại giao quốc tế cho doanh nghiệp Việt.

 PV: Lời đầu tiên cho tôi chân thành cảm ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn. Thưa ông, xin ông giới thiệu về chức năng, hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam Quốc tế?

ông Phạm Hồ Bắc : Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam Quốc tế thuộc Hiệp hội Làng Nghề Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hướng nghiệp trong lĩnh vực làng nghề, các doanh nghiệp dịch vụ kết hợp cùng Chính phủ, Nhà nước, các tỉnh thành và đối tác quốc tế , xây dựng kết nối, tập hợp các hộ kinh doanh cá thể, và doanh nghiệp thuộc làng nghề cùng hợp tác phát triển.

Hiện nay Trung tâm có văn phòng đại diện tại TP.HCM, Ban Xúc tiến thương mại, Ban Phát triển dự án, Ban Kế hoạch đầu tư, đối ngoại… Một trong những hoạt động thường niên của Trung tâm nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các Doanh nghiệp phát triển kinh doanh Hội nhập quốc tế.

Đó là Tổ chức các chương trình sự kiện kết nối giao thương, diễn đàn, toạ đàm phát triển kinh tế, nghiên cứu hỗ trợ đào tạo, tư vấn, khảo sát thực địa và xây dựng, cố vấn chiến lược, định hình thương hiệu không chỉ là các sản phẩm làng nghề, mà còn là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Ban lãnh đạo Trung tâm tham quan gian hàng sản phẩm Ocop thuộc sản phẩm làng nghề -Ảnh Vitit cung cấp

PV: Được biết hiện nay số lượng đội ngũ hơn 380 nhân viên và cộng tác viên trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Ông có thể chia sẻ một số khó khăn mà trung tâm gặp phải trong trong việc kết nối giao thương, xây dựng Liên minh hợp tác, trao đổi hàng hóa sản phẩm?

Ông Phạm Hồ Bắc : Những khó khăn của chúng tôi bao gồm cả những khó khăn từ nội bộ và từ bên ngoài.

Trong nội bộ, quả không hề dễ dàng trong việc giữ liên lạc và quản lý bộ máy hàng trăm con người ở khắp mọi nơi trên thế giới, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, văn hóa khác nhau và ngôn ngữ khác nhau.

Thật lòng mà nói thì chúng tôi được kết nối với nhau bởi hai yếu tố: quy chế riêng của Trung tâm và quyền lợi nhân viên. Chúng tôi không áp doanh số mỗi nhân viên, mà chúng tôi đào tạo nhân viên xây dựng đội nhóm mạnh, lan tỏa các thế mạnh của Trung tâm như xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, kết hợp văn hóa du lịch làng nghề trải nghiệm.

Về bên ngoài, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng tới chúng tôi. Trong một thời gian gần 2 năm chúng tôi phải xoay xở vật vã để vừa chống dịch lại vừa có thể duy trì kết nối kinh tế. Sau đó liên tục là tình hình thế giới cũng bất ổn, xung đột leo thang, giá xăng dầu tăng cao chóng mặt… tất cả những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của chúng tôi khi tổ chức các chương trình, sự kiện cũng như xúc tiến các hoạt động xuất nhập khẩu, ngoại giao kinh tế. Trong nghịch cảnh như vậy, cộng với những khó khăn tăng vọt trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu theo làn sóng của các hiệp định tự do thương mại, rất nhiều đối tác quan trọng của chúng tôi đang hoạt động theo các làng nghề truyền thống đã phá sản vì không còn đủ sức để cạnh tranh đường dài. Đây là những thiệt hại vô cùng đáng tiếc cho chúng tôi cũng như cho nền kinh tế, văn hóa nước nhà.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự nhiễu loạn thị trường của các tổ chức, kết nối hoạt động không hiệu quả, không thực chất. Điều này vô hình chung cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức Xúc tiến thương mại thực chất như chúng tôi. Làm chúng tôi mất thêm rất nhiều công sức để kết nối cũng như thương thảo, thuyết phục các đối tác nước ngoài hợp tác theo chiều sâu.

Một số cộng tác viên của chúng tôi đã ra đi trong đại dịch Covid-19, một số khác họ tập trung theo con đường mới sự nghiệp, một số khách hàng đã hủy đơn trong đại dịch vì mặt hàng của chúng tôi chào bán ra thị trường Quốc tế là mặt hàng không thiết yếu.

Ngay cả việc phá giá của một số sản phẩm nước ngoài khiến thị trường xuất nhập khẩu hoạt động cầm chừng, rất nhiều sản phẩm làng nghề phải thay đổi mẫu mã, hạ giá thành và cắt giảm truyền thông quảng cáo.

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 cũng giúp chúng tôi nhìn nhận ra con đường chuyển đổi số cho các sản phẩm làng nghề trên ứng dụng công nghệ là thật sự cần thiết và là bước tiên phong, trong việc chào hàng sản phẩm ra thị trường Quốc tế.

PV: Chiến tranh, lạm phát đẩy nền kinh tế thế giới mất cân bằng, ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của các công ty trong nước, vậy Trung tâm có những hoạt động cụ thể gì để đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại?

ông Phạm Hồ Bắc. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất. Trong một buổi làm việc của UBND tỉnh Long An và các doanh nghiệp Việt Nam cùng Đoàn Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn Việt và hơn 20 Doanh nghiệp Hàn Quốc vào cuối tháng 8 năm nay, tôi đã chia sẻ một số kinh nghiệm làm việc cùng các đối tác nước ngoài của tôi trong suốt gần 20 năm vừa qua. Để vượt qua khó khăn thì đầu tiên chúng ta cần xác định lại các điểm mạnh, điểm yếu, giá thành và chất lượng sản phẩm, cơ hội cũng như thách thức của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt, nhưng chúng ta thật sự rất “thật thà” trên thị trường Quốc tế, thiếu các kỹ năng quảng cáo, truyền thông có tư duy hệ thống, ngoài ra chúng ta cũng rất thiếu kỹ năng đàm phán Quốc tế, thiếu kiến thức luật pháp Quốc tế, trong đó ngoại ngữ là một rào cản rất lớn với phần lớn các chủ doanh nghiệp, từ những bài học đau thương trong quá khứ, chúng ta cũng thấy rằng mình không biết cách tự bảo vệ thương hiệu, dẫn đến việc sản phẩm của mình là con đẻ mà sau lại được thị trường tiếp nhận không bằng con nuôi, thậm chí phải bán rẻ lại cho người khác để họ dùng chính cái “thương hiệu” của mình để phân phối, thật sự đau xót.

Vậy nên theo tôi, để chặt cây trước tiên cần phải mài rìu đủ sắc, thay vì cứ vội vàng làm việc không công không kết quả tiền mất tật mang, các chủ doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực ngoại giao quốc tế cũng như nắm vững về luật pháp và các quy trình, thủ tục cần phải thông qua, trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, hiện giờ tôi được biết Trung tâm Foset của Học viện Ngoại Giao, cũng liên tục tổ chức những khóa đào tạo nhằm nâng cao trình độ ngoại giao kinh tế cho các cán bộ nước nhà do chính các lãnh đạo của bộ đứng lớp. Điều này nên được khuyến khích, thúc đẩy lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Trung tâm chúng tôi cũng luôn cử cán bộ, nhân viên tới các lớp học của Học Viện ngoại giao học tập, rèn luyện và tuyên truyền thông tin.

Ông Phạm Hồ Bắc Giám đốc trung tâm và Ông Ngô Thế Vương Phó Giám đốc trung tâm, tham gia sự kiện Hội chợ Làng nghề và sản phẩm ocop Việt Nam năm 2022- Ảnh Vitit cung cấp –

Trung tâm VITIT chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng với các doanh nghiệp, chia sẻ kiến thức, đào tạo đội ngũ, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, thị trường cũng như tìm kiếm các sản phẩm thích hợp, bằng mạng lưới đội ngũ nhân sự và cộng tác viên trải rộng rất nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi đã mở lớp đào tạo ngoại ngữ căn bản giao tiếp tiếng anh cho một số đơn vị công ty về lĩnh vực nội thất sản phẩm làng nghề, công ty du lịch, công ty có sản phẩm Ocop tại 16 tỉnh thành trên cả nước, do yếu tố các công ty ở các vùng miền khác nhau, nhất là công ty về ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, spa nên một số các chương trình đào tạo ngắn hạn được chúng tôi chú trọng và tổ chức đào tạo theo yêu cầu.

Ngoài ra VITIT cũng rất hiểu được sự trăn trở, thiếu hụt tài chính của các doanh nghiệp trong việc tái tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh thời kỳ bình thường mới, vì thế chúng tôi đã có sự kết nối chặt chẽ với các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư để liên tục tìm kiếm cơ hội giúp đỡ các Doanh nghiệp Việt Nam trở mình và vươn lên mạnh mẽ sau 3 năm dài vô cùng khó khăn vừa rồi.

PV: Được biết năm 2022 là năm đặc biệt giữa Việt Nam, Campuchia, Lào. Vậy Trung tâm có những hoạt động gì để vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước trong công tác xúc tiến thương mại?

Ông Phạm Hồ Bắc. Năm 2022 dấu mốc son đặc biệt  kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2022) 45 năm  ngày ký kết  Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022) và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2022), đây là những dấu mốc vô cùng ấn tượng, điều này thể hiện tình bạn hữu bền chặt của 3 nước Đông Dương.

Về phía Trung tâm VITIT, trong suốt những năm qua, để thực hiện tốt trọng trách mà Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao phó, Trung tâm luôn xác định rõ và tự hào về vai trò, sứ mệnh đặc biệt của mình, luôn là cây cầu kết nối tình hữu nghị, tình anh em gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc, chúng tôi đã tổ chức ký kết hợp tác chiến lược với các tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp của Lào, đồng thời nhận lời mời tham gia sự kiện kỷ niệm Việt Nam – Campuchia, do các đơn vị đối tác tổ chức.

Bằng sự gắn kết trong công tác phát triển du lịch trải nghiệm, chúng tôi đã quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như văn hóa du lịch Việt Nam, qua chương trình đón đoàn Campuchia thăm quan du lịch trải nghiệm tại nhà hàng Hoa Đá, khu tổ hợp kinh doanh nghỉ dưỡng xã Ngọc Linh huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, trong đoàn khách Campuchia có một số cựu chiến binh, chúng tôi đã tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên trong tháng 9 vừa qua.

Tháng 12 chúng tôi tiếp tục đón nước bạn Lào, Campuchia và tổ chức chương trình kết nối giao thương, sản phẩm làng nghề truyền thống gốm và tranh đá quý các sản phẩm đá trắng của Lào sẽ được nhập khẩu qua sự giới thiệu của chúng tôi cho một số công ty về xây dựng.

Chúng tôi là cánh tay nối dài cho các thương hiệu Việt khi kết nối đơn hàng xuất khẩu trực tiếp 5 loại sản phẩm như gạo, sản phẩm khăn lụa làng nghề Vạn Phúc và đặc biệt là sản phẩm nông sản Ocop, sản phẩm tranh đá quý, sản phẩm mật ong.

Trung tâm mong muốn với cố gắng và nhiệt huyết của mình đang và sẽ góp phần tăng cường và phát huy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp thủy chung giữa ba dân tộc mà nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân ba nước đã dầy công vung đắp.

Ảnh Vitit cung cấp – Chương trình khảo sát thực địa mô hình du lịch sinh thái làng nghề Thông Tân Lập, xã Ngọc Linh, Huyện Vị xuyên, tỉnh Hà Giang

PV: Về phía VITIT Trung tâm có kế hoạch gì về hoàn thiện chính sách, pháp luật để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm 2022 cũng như các năm sắp tới?

Ông Phạm Hồ Bắc. Thực ra việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với chúng tôi lúc này, chính là các yếu tố quan trọng nhất, khi chính phủ và nhà nước đang thay đổi luật pháp Việt Nam áp dụng với luật thương mại quốc tế.

Chúng tôi hoàn thiện chính sách ký kết bảo mật thông tin khách hàng, và đảm bảo về giá thành sản phẩm khi xuất khẩu, tôi ví dụ như một số quy định riêng của Trung tâm khi kết nối giao thương, chúng tôi yêu cầu bên bán đảm bảo về giá thành không tăng quá mức so với đầu mùa vụ và cam kết bình ổn giá giữa vụ và cuối vụ, đây là lợi ích hợp tác song phương 2 chiều (1 số sản phẩm Ocop) đánh giá về xu hướng theo chiến lược dài hạn tầm nhìn 5 năm. Chúng tôi luôn tích hợp công nghệ khoa học hiện đại bằng đòn bẩy công nghệ số, nghiên cứu mẫu mã và dùng kinh tế hình ảnh nói lên văn hóa đồng thời phát huy trong việc chuyển đổi số nâng tầm sản phẩm lên mạng lưới sàn thương mại điện tử đẩy mạnh quảng cáo truyền thông.

Một số thương vụ khi kết nối giao thương, về mặt pháp lý chúng tôi kết hợp và có ký kết với các đơn vị văn phòng Luật và phòng Công chứng và đơn vị Trung tâm trọng tài Quốc tế nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp và quản lý rủi ro.

Tầm nhìn 2025 đến 2027 chúng tôi đẩy mạnh mảng hướng nghiệp, phủ ngoại ngữ tiếng anh giao tiếp cho một số công ty và hộ kinh doanh cá nhân trong phát triển du lịch làng nghề. Nghị quyết TW 18 của Quốc hội ban hành chống phá giáhướng tới bảo đảm hài hòa lợi ích, giảm thiểu tiêu cực, khi trung tâm nghiên cứu khảo sát thực địa một số mô hình làng nghề du lịch, chúng tôi tin và hi vọng vào Đảng và Nhà nước khi được áp dụng các luật định về quy định của ngành bất động sản trong ứng dụng du lịch làng nghề vừa phát triển du lịch, vừa thúc đẩy kinh tế khi quảng cáo chào bán sản phẩm làng nghề.

Nguyễn Đức – Tạp chí thương gia & Thị trường (https://thuonggiathitruong.vn/giam-doc-trung-tam-vitit-pham-ho-bac-chung-toi-la-canh-tay-noi-dai-cho-cac-thuong-hieu-viet-ra-quoc-te/)

Bài viết liên quan